Cải cách hành chính tại Vĩnh Phúc: Không để thủ tục hành chính kéo giảm KT-XH

Tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong nhiều năm qua và được người dân ghi nhận.

 

Nếu công tác hành chính không làm tốt sẽ khiến đình trệ, kéo giảm kinh tế và ảnh hưởng xấu tới mọi mặt trong tỉnh. Thấm nhuần quan điểm và sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành của tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong nhiều năm qua và được người dân ghi nhận.

Hiệu quả từ sự đổi thay tích cực

“Chiều thứ 6 hằng tuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phụ trách về kinh tế cùng lãnh đạo các Sở có liên quan sẽ tiếp và trao đổi với các doanh nghiệp, doanh nhân để nghe phản ánh về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tiếp thu những kiến nghị, đề xuất. Ở đâu còn có sự chậm trễ, sai sót thì sẽ kịp thời chỉnh đốn, sửa đổi. Điều này đã giúp Vĩnh Phúc thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư”. Câu chuyện mà ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho hay là một minh chứng rõ nét và sinh động về sự thay đổi trong công tác cải cách hành chính tại tỉnh này. Ông Quang cho biết thêm, người dân rất hài lòng về sự thay đổi tích cực trong thủ tục hành chính (TTHC).

Cán bộ Sở TN-MT Vĩnh Phúc giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai cải cách hành chính. Ông Nguyễn Thanh Quang nhấn mạnh: Để triển khai thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, UBND tỉnh đã chỉ đạo, quán triệt các cấp, các ngành; và các cấp cơ sở đã chủ động triển khai thực hiện với sự thống nhất cao. Bởi vậy, đến nay, công tác cải cách hành chính tại Vĩnh Phúc đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Về cải cách thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được kiểm soát và ban hành đúng về thẩm quyền, thể thức, nội dung phù hợp với quy định. Công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được các cơ quan, đơn vị tổ chức, triển khai thực hiện theo đúng quy định, đúng thể thức và nội dung phù hợp với pháp luật.

Ông Nguyễn Thanh Quang cho hay, về cải cách TTHC, từ năm 2017, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được duy trì ở cả 3 cấp: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Ngay đầu năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 627/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục TTHC tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức trong việc giải quyết TTHC, tỉnh đã rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định của các bộ, ngành Trung ương. Cụ thể: Rút ngắn thời gian giải quyết đối với 630 TTHC, tổng thời gian rút ngắn là 2.842 ngày.

Tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh việc áp dụng phần mềm tin học trong công việc và giải quyết thủ tục hành chính.

Trong những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh việc áp dụng phần mềm tin học trong công việc và giải quyết TTHC. Các phần mềm giải quyết TTHC của tỉnh Vĩnh Phúc đã được Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra và đánh giá Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai được phần mềm đồng bộ tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, bảo đảm liên thông theo “chiều ngang”, “chiều dọc” khi thực hiện giải quyết TTHC, đồng thời bảo đảm không có sự cắt khúc về thông tin hồ sơ. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị; tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết hồ sơ, TTHC cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và tinh giản biên chế, đối với tổ chức hành chính, đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã thực hiện sắp xếp bộ máy. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh đã giảm 41 phòng chuyên môn thuộc sở, ngành. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, hầu hết các nhiệm vụ sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập đã hoàn thành theo yêu cầu, toàn tỉnh còn 806 đơn vị sự nghiệp công lập, đã giảm 91 đơn vị sự nghiệp.

Tiếp tục giải quyết TTHC nhanh gọn, minh bạch

Từ năm 2015 đến nay, Vĩnh Phúc đã giải quyết tinh giản biên chế đối với 274 trường hợp; giải quyết thôi việc đối với 851 trường hợp. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc sắp xếp giảm cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. Hiện nay, toàn tỉnh đang bố trí 7.996 người hoạt động không chuyên trách, giảm so với trước khi thực hiện Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là 10.704 người.

Qua quá trình thực hiện các nhiệm vụ phân cấp, các cơ quan đơn vị đã đánh giá cao hiệu quả của việc này, tạo điều kiện cho các ngành và chính quyền địa phương phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các mặt công tác, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động và luân chuyển được thực hiện theo đúng quy định, tỉnh Vĩnh Phúc còn chú trọng tới lĩnh vực cải cách tài chính công. Có 163 cơ quan thực hiện cơ chế tự chủ, trong đó cấp tỉnh có 36, cấp huyện có 127 cơ quan.

Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch CCHC cụ thể, thiết thực để phục vụ nhu cầu giải quyết TTHC nhanh gọn, minh bạch của người dân và doanh nghiệp.

Đáng chú ý là kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) do Trung ương đánh giá tỉnh từ năm 2016 - 2018 của tỉnh đều nằm trong tốp 20 tỉnh, thành có điểm số cao nhất cả nước. Năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố; Năm 2018 xếp vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành phố.

Chỉ số Quản trị hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đã có chuyển biến tích cực. Năm 2017, chỉ số này đạt 35,89/60 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành nằm trong nhóm trung bình thấp thì đến năm 2018, Vĩnh Phúc đã đạt 45,07/80 điểm, là tỉnh được xếp vào Nhóm có số điểm cao nhất và xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng 22 bậc so với năm 2017.

Nhằm nâng cao chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương, mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích giai đoạn 2019 - 2021.

Công tác cải cách hành chính của Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong những năm qua. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Quang cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục. Đó là việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động, chưa có sự quan tâm đúng mức, dẫn đến việc chỉ đạo thực hiện CCHC chưa được chủ động, còn chậm so với kế hoạch đề ra; Không chủ động trong việc nghiên cứu, tìm các giải pháp đột phá để đẩy mạnh công tác CCHC theo lĩnh vực, ngành phụ trách. Quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử còn chưa cao nên ảnh hưởng đến việc triển khai đồng bộ các ứng dụng nền tảng chính quyền điện tử. Thực tế còn một số TTHC giải quyết chậm do liên quan nhiều khâu trung gian. Vì vậy, việc cắt giảm thêm thời gian giải quyết TTHC không cần thiết, làm tăng áp lực trong giải quyết TTHC đối với các cơ quan, đơn vị (như lĩnh vực đất đai, khoáng sản...). Tăng tỷ lệ chậm hạn trong giải quyết TTHC, gây dư luận không tốt về hiệu quả thực thi công vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Ông Nguyễn Thanh Quang khẳng định, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng kế hoạch cải cách hành chính cụ thể, thiết thực để thực hiện trong những năm tiếp theo. Kịp thời phục vụ nhu cầu giải quyết TTHC nhanh gọn, công khai, minh bạch đối với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh triển khai các dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận